Sức mạnh của tình thương.

Sức mạnh của tình thương.
Khó khăn luôn làm cho con người trưởng thành và cứng cáp hơn.
Mẹ có 5 người con gái. Tôi là đứa con thứ ba của mẹ. Mẹ sinh tôi khi người được 20 tuổi. Khi tôi chào đời, cô y tá vội vã bồng tôi xuống phòng trước khi mẹ kịp nhìn thấy tôi.
Vị bác sĩ nhẹ nhàng báo cho mẹ biết là tôi sinh ra không được bình thường, cánh tay trái của tôi mất đi một phần từ dưới khuỷu tay trở xuống. Cô ta khuyên mẹ:
- Bà không nên dành quá nhiều đặc biệt cho đứa bé này. Hãy đối xử với nó y như những đứa con kia của bà, đó là cách để cho nó phải cố gắng.
Và mẹ đã làm theo lời khuyên của cô ta. Ba của chúng tôi đã bỏ mẹ và chúng tôi. Mẹ phải làm việc vất vả để nuôi sống gia đình, và chúng tôi cũng phải lo phụ giúp mẹ.
Tôi, cũng giống như những chị em gái của mình, phải làm những công việc lặt vặt trong nhà, chưa bao giờ mẹ coi tôi như một đứa trẻ tật nguyền.
Một lần nọ, khi tôi được 7 tuổi, tôi đã mếu máo chạy đi tìm mẹ khi không gọt vỏ được mấy củ khoai tây:
- Mẹ ơi! Con không thể gọt được khoai tây. Con chỉ có một tay.
Mẹ bảo tôi:
- Con đừng bao giờ đem cánh tay của con ra mà bào chữa cho việc không hoàn thành công việc của mình.
Thế là tôi đành đi vào bếp làm tiếp công việc của mình. Sau một hồi loay hoay, tôi đã có thể tự mình gọt vỏ hết cả rổ khoai tây dù có hơi khó khăn đôi chút.
Mỗi lần như vậy, tôi luôn nghĩ ra cách xoay sở. Hình như mẹ cũng biết điều này vì mẹ thường bảo tôi:
- Nếu con cố gắng, con ắt sẽ có thể làm được mọi việc.
Năm tôi học lớp hai, một hôm thầy giáo của tôi dẫn cả lớp ra sân để tập cho chúng tôi đánh đu trên xà.
Mỗi đứa trong chúng tôi phải đeo trên cây xà để đu qua một cây cột khác. Khi đến phiên mình, tôi đã lắc đầu với thầy giáo.
Bọn trẻ lớp tôi bắt đầu cười trêu chọc tôi, và tôi đã khóc nức nở chạy về nhà.
Tối hôm ấy, tôi kể cho mẹ nghe việc xảy ra ở trường. Mẹ đã ôm tôi vào lòng và nói:
- Chúng ta sẽ xem việc này thế nào.
Ngày hôm sau, mẹ xin nghỉ làm một buổi chiều để dẫn tôi đến trường. Chúng tôi tìm đến những cây xà đu trong sân. Mẹ ngắm nghía kỹ những chiếc xà đu và nói với tôi:
- Bây giờ con dùng tay phải để đu lên.
Mẹ đã đứng bên cạnh chỉ cho tôi cách đu lên bằng cánh tay phải, và móc cùi chỏ của cánh tay còn lại vào thanh chắn. Ngày qua ngày, mẹ giúp tôi tập luyện nhiều lần cho đến khi tôi có thể đu được như các bạn của mình và khen ngợi tôi hết lời mỗi lần tôi làm được động tác đu trên xà.
Tôi không bao giờ quên được cảm giác vui sướng khi lần kế tiếp thầy giáo của tôi dẫn cả lớp ra sân để cho chúng tôi đu trên xà. Các bạn đã cười nhạo tôi lúc trước há hốc mồm kinh ngạc khi nhìn thấy tôi đánh đu thành thục trên chiếc xà ấy.

Và ngày qua ngày, mẹ đối với tôi vẫn như thế, không hề làm thay cho tôi một việc gì mà luôn bắt tôi phải tự làm nó một mình. Đôi khi tôi thầm trách mẹ: "Mẹ không hiểu gì hết. Mẹ không biết là làm việc này khó khăn biết chừng nào ."Vào một đêm nọ, sau một buổi khiêu vũ của lớp tôi tổ chức về (lúc ấy tôi đã trở thành thiếu nữ), tôi úp mặt vào gối thổn thức. Mẹ đi vào phòng tôi và hỏi:
- Có chuyện gì thế con?
- Mẹ ơi! Không một đứa con trai nào chịu khiêu vũ với con bởi vì con chỉ có một tay.
Mẹ im lặng không nói gì. Và lần đầu tiên tôi nhìn thấy những giọt lệ của mẹ chảy dài trên má người.
Tôi biết mẹ đã đau lòng với sự thiệt thòi của tôi mà người không thể giúp được dù trước đây chưa bao giờ tôi nhìn thấy những giọt nước mắt ấy vì mẹ không hề muốn tôi cảm nhận về khuyết tật của mình.Sau đó, tôi lập gia đình với một chàng trai chấp nhận khuyết tật của tôi. Cuộc hôn nhân của chúng tôi tan vỡ vài năm sau đó. Tôi trở thành một single mom.
Mẹ vẫn luôn là điểm tựa cho chúng tôi trong 5 năm dài khốn đốn của tôi. Khi tôi cảm thấy yếu đuối muốn khóc, mẹ luôn là người ngăn không cho những giọt lệ của tôi chảy xuống.
Khi tôi phàn nàn về những phiền phức trong cuộc sống và công việc của mình, mẹ chỉ cười.
Nhưng nếu tôi bắt đầu cảm thấy khổ sở về bản thân mình thì tôi luôn nhìn mẹ và nghĩ: "Mẹ đã khổ sở hơn tôi gấp nhiều lần vì người có đến năm đứa con gái kia mà."
Khi còn bé, tôi luôn tự hỏi tại sao mình phải luôn đấu tranh với mọi khó khăn như vậy.

Bây giờ, tôi đã hiểu. Khó khăn luôn làm cho con người trưởng thành và cứng cáp hơn.
Tôi luôn cảm thấy mẹ lúc nào cũng ở bên tôi, nhất là những lúc khó khăn./.

Sưu tầm