Theo quy định của Luật việc làm 2013 ( đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015), chế độ Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có nhiều thay đổi lớn so với quy định hiện hành tại Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH).
Cụ thể, theo Luật việc làm mới, đối tượng bắt buộc tham gia BHTN được mở rộng, so với quy định cũ.Đối tượng tham gia BHTN theo Luật Việc làm có thêm người lao động (NLĐ) làm việc theo hợp đồng mùa vụ từ đủ 3 tháng trở lên; bỏ quy định người sử dụng lao động có từ 10 NLĐ trở lên mới phải tham gia BHTN.
Đối tượng bắt buộc tham gia BHTN
Người lao động phải tham gia BHTN khi làm việc theo hợp đồng (HĐ) lao động hoặc HĐ làm việc như sau: HĐ lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn; HĐ lao động hoặc HĐ làm việc xác định thời hạn; HĐ lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Trong trường hợp người lao động giao kết và đang thực hiện nhiều HĐ lao động quy định tại khoản này thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia BHTN.
NLĐ đang hưởng lương hưu, giúp việc gia đình thì không phải tham gia BHTN.
Mức đóng BHTN tối đa sẽ không quá 20 tháng lương tối thiểu vùng.
Luật Việc làm mới hướngdẫn cụ thể về cách tính thời gian tham gia BHTN để tính hưởng trợ cấp, cụ thể như sau: Thời gian đóng BHTN để xét hưởng BHTN là tổng các khoảng thời gian đã đóng BHTN liên tục hoặc không liên tục được cộng dồn từ khi bắt đầu đóng BHTN cho đến khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật mà chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, thời gian đóng BHTN trước đó của người lao động không được tính để hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo. Thời gian đóng BHTN cho lần hưởng BHTN tiếp theo được tính lại từ đầu.
Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động,hợp đồng làm việc trái pháp luật sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng mùa vụ thì để được hưởng BHTN, họ phải có đủ 12 tháng tham gia BHTN trong vòng 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng (đối với các loại hợp đồng khác thì điều kiện này là có đủ 12 tháng tham gia BHTN trong vòng 24 tháng trước khi chấm dứt)
Chế độ trợ cấp thất nghiệp
Theo quy định mới, chế độ trợ cấp thất nghiệp hàng tháng giảm 3 tháng so với quy định cũ.
Theo quy định mới thì NLĐ tham gia BHTN từ đủ 12 tháng đến 36 tháng sẽ được hưởng 3 tháng trợ cấp, sau đó cứ có thêm 12 tháng tham gia BHTN thì sẽ được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp, nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Theo cách tính này thì NLĐ tham gia BHTN đủ 36 tháng sẽ được hưởng 3 tháng trợ cấp (trước đây là 6 tháng), tham gia đủ 72 tháng sẽ được hưởng 6 tháng (trước đây là 9 tháng).
Về mức hưởng từng tháng: giới hạn tối đa không vượt quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng hoặc mức lương cơ sở.
Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này.
Người lao động bị tạm giam sẽ bị ngừng hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo quy định cũ thì chỉ bị tạm ngừng).
Luật Việc làm bổ sung theo quy định: Người lao động sẽ bị ngừng hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật BHTN và bị tòa án tuyên bố mất tích.
Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà tìm được việc làm thì sẽ ngừng hưởng trợ cấp và không được hưởng một lần số tháng trợ cấp còn lại, thời gian tham gia BHTN chưa được hưởng trợ cấp sẽ được bảo lưu và cộng dồn lại cho lần hưởng tiếp theo.
Bổ sung thêm quy định về hỗ trợ học nghề và tìm việc: NLĐ thuộc diện phải tham gia BHTN sau khi nghỉ việc sẽ được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí nếu có nhu cầu. Đối với chế độ hỗ trợ học nghề thì sẽ áp dụng đối với NLĐ đã đóng BHTN từ đủ 9 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi nghỉ việc (theo quy định cũ, 2 chế độ này chỉ áp dụng đối với NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp).
ĐL
Ý kiến bạn đọc