03:06 ICT Chủ nhật, 08/12/2024
CHÀO MỪNG QUÝ KHÁCH ĐẾN VỚI WEBSITE CỦA LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG QUẬN 12.CHÚC QUÝ KHÁCH MỘT NGÀY VUI VẺ

Các Đơn Vị Liên Kết

Nhân lực cho hội nhập.

Đăng lúc: Thứ năm - 05/03/2015 07:50 - Người đăng bài viết: Liên Đoàn Lao Động
Cộng đồng kinh tế ASEAN mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp về lực lượng lao động nhưng cũng đầy thách thức để giữ chân nhân tài.
Năm 2015 Việt Nam chính thức tham gia vào “Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)”. Vậy người lao động (NLĐ) Việt Nam sẽ được hưởng lợi gì từ AEC khi sắp tới sẽ là thị trường lao động mở, rào cản giữa các doanh nghiệp (DN) trong khối ASEAN hầu như rất ít.
Thuận lợi nhưng đầy thách thức
Trước tiên, NLĐ Việt Nam không những có nhiều cơ hội nghề nghiệp trong nước mà còn mở rộng ra các thị trường khu vực. Cơ hội tương tác và nâng cao kinh nghiệm, kỹ năng chuyên ngành ở các nước lân cận là điều NLĐ sẽ được trau dồi thêm. Bên cạnh đó, tính linh hoạt khi làm việc ở nhiều nơi, vốn dĩ là một điểm chưa mạnh của ViệtNam sẽ được nâng cao và cải thiện đáng kể.


Hơn bao giờ hết người lao động phải tự nâng chất trước công cuộc hội nhập.

Đối với cộng đồng DN, sẽ được hưởng lợi nhiều nhất về mặt nguồn nhân lực khi thị trường lao động mở, nguồn nhân lực từ các nước lân cận cũng sẽ tìm kiếm cơ hội tại Việt Nam dẫn đến nguồn cung lao động dồi dào. Mức cung nhân lực nhiều hơn, đa dạng và phong phú giúp DN có nhiều sự lựa chọn từ những ứng viên giỏi chuyên môn và giàu kinh nghiệm.
Tuy nhiên, AEC không chỉ hoàn toàn mở ra cơ hội cho DN mà còn đi kèm nhiều thách thức. Nhiều người e ngại, DN Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ trong khu vực, trước mắt sẽ là “chảy máu chất xám”. Những người giỏi sẽ ra đi, tìm đến những DN có thu nhập và chính sách tốt hơn. Đây là điều hợp quy luật và không thể tránh khỏi.

Nâng tầm ra “biển lớn”
Việc mở rộng cơ hội tuyển dụng đối tượng nước ngoài chỉ được thể hiện tốt nhất khi DN có một quy trình và hệ thống chuẩn trong nội bộ nhằm tạo sự chuyên nghiệp cho bất cứ một quốc tịch và văn hóa nào cũng dễ dàng thích nghi. Truyền thông, chuẩn bị “tư tưởng” và tinh thần cho cấp quản lý, lãnh đạo - những đối tượng then chốt của DN về sự gia nhập đa văn hóa là điều cần thiết. 
Các DN cần có những chương trình dài hạn để cấp quản lý và lãnh đạo được nâng cao và trang bị kiến thức, học hỏi nhiều hơn, cơ hội tiếp xúc và mở mang “tầm nhìn” ra khu vực và quốc tế. Ngoài ra cần có sự phân tích, tìm hiểu và những chính sách hợp lý để giữ chân nhân tài thật sự trước công cuộc cạnh tranh gay gắt. Bên cạnh đó, DN còn đầu tư vào việc quản trị nhân sự, hệ thống công nghệ thông tin, nền tảng tài chính vững chắc, hệ thống quản trị… nhằm giữ vững thế cạnh tranh khi gia nhập AEC.
Xét về mặt tuyển dụng người nước ngoài làm việc tại DN, không hẳn bất cứ người nước ngoài nào cũng sẽ làm tốt tất cả vị trí. Vì vậy, DN cần tìm hiểu rõ thế mạnh của họ, văn hóa cũng như mong đợi của họ, đâu là những người phù hợp với DN mình, đâu là những điểm DN cần cho sự phát triển bền vững trong tương lai. 
Để giữ vững nhân tài, DN cần hiểu rõ chính sách và ưu thế của những DN khác, xác định điểm mạnh cũng như ưu thế cạnh tranh của DN mình cho các chính sách giữ người hợp lý. Những thông tin về lương, thưởng của ứng viên tại nước ngoài; so sánh với cấu trúc lương, thưởng tại Việt Nam cùng với những khác biệt về mức sống và chi phí sinh hoạt cần được DN tìm hiểu kỹ để có mức chi trả lương vừa hợp lý với DN vừa bảo đảm thu hút nhân tài.
Gia nhập AEC không phải là một trào lưu mà DN cần có sự chuẩn bị và bước đi vững chắc. Làm việc với đơn vị tư vấn có chuyên môn sẽ giúp DN xác định rõ nhu cầu, có những tư vấn hợp lý về tổng chi phí cho một NLĐ nước ngoài tại DN và những đóng góp của người đó tại công việc kinh doanh. 
Bên cạnh đó, những vấn đề về thủ tục, những thông tin về luật lao động, giấy tờ, hành chính… cũng như những thông tin truyền đạt; đâu là những ý chính và ưu thế của thị trường Việt Nam cũng như môi trường làm việc tại DN sẽ được đối tác tư vấn cho cả DN và NLĐ một cách hợp lý.

 
Đầu tư cho nhân lực. Để chuẩn bị bước ra biển lớn, DN cần tự hiểu rõ bản thân, phân tích những điểm mạnh và điểm cần cải thiện về nhu cầu lao động; có chiến lược nhân sự hợp lý để có thể tối đa hóa những cơ hội AEC nhưng vẫn bảo đảm ưu thế cạnh tranh. DN cần đầu tư vào quản trị nguồn nhân lực, nâng cao các chương trình đào tạo để cấp lãnh đạo và quản lý mở rộng tầm nhìn khi gia nhập AEC.
            Theo TIÊU YẾN TRINH
               Báo Người Lao Động
 
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thống Kê Truy Cập

  • Đang truy cập: 9
  • Hôm nay: 137
  • Tháng hiện tại: 7395
  • Tổng lượt truy cập: 2646203