21:49 ICT Thứ tư, 13/11/2024
CHÀO MỪNG QUÝ KHÁCH ĐẾN VỚI WEBSITE CỦA LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG QUẬN 12.CHÚC QUÝ KHÁCH MỘT NGÀY VUI VẺ

Các Đơn Vị Liên Kết

KỶ NIỆM 92 NĂM NGÀY THÀNH LẬP CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM (28/7/1929 - 28/7/2021)

Đăng lúc: Thứ ba - 27/07/2021 14:50 - Người đăng bài viết: Liên Đoàn Lao Động
Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2021)
BÀI TUYÊN TRUYỀN
KỶ NIỆM 92 NĂM NGÀY THÀNH LẬP CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM
 
Hoà chung với khí thế thi đua sôi nổi của đoàn viên công đoàn, công nhân viên chức, lao động và các cấp Công đoàn trong cả nước chào mừng Kỷ niệm 92 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2021), Đây là một sự kiện chính trị quan trọng trong đời sống tinh thần của CNVC - LĐ và Đoàn viên Công đoàn của Quận 12 nói riêng, của Thành phố Hồ Chí Minh và cả nước nói chung.
 Cách đây 92 năm, ngày 28/7/1929, dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng Sản Đảng, Đại hội thành lập Tổng công hội Đỏ Bắc kỳ - Tiền thân của Tổng LĐLĐ Việt Nam ngày nay chính thức đã ghi vào lịch sử. Đó là ngày truyền thống quý báu của tổ chức Công đoàn Việt Nam.
 Từ những năm trước năm 1929, ở Việt Nam đã có nhiều tổ chức công hội, nghiệp đoàn được thành lập do ảnh hưởng của phong trào công nhân quốc tế và nhu cầu đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ của công nhân lao động trong nước mà tiêu biểu là công hội Ba Son do đồng chí  Tôn Đức Thắng thành lập đây là cơ sở, nền tảng  để chuẩn bị cho việc thành lập Công đoàn cách mạng Việt Nam.
 Quá trình hình thành và ra đời của tổ chức Công đoàn cách mạng Việt Nam gắn liền với tên tuổi và cuộc đời hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam);
 Năm 1911, Bác ra đi tìm đường cứu nước, Người đã tham gia vào các phong trào công nhân quốc tế. Những năm tháng hoạt động trong phong trào công nhân và Công đoàn Quốc tế, Bác đã suy nghĩ rất nhiều về Tổ Quốc, về những người công nhân lao động cùng khổ, về việc tổ chức họ lại đấu tranh chống đế quốc thực dân. Người đã nghiên cứu hình thức tổ chức Công đoàn ở các nước Tư bản thuộc địa và nửa thuộc địa. Từ đó rút ra những kinh nghiệm thực tiễn, đặt cơ sở lý luận và hình thức tổ chức cho Công đoàn Việt nam.
 Người nghiên cứu kỹ cuộc đấu tranh của Công đoàn ở các nước thuộc địa của Ban Chấp hành Quốc tế Công hội đỏ và đưa vào cuốn sách nổi tiếng của mình là: “Bản án chế độ thực dân Pháp” trong đó có đoạn viết: “Việc cần thiết hiện nay là phát động một cuộc tuyên truyền lớn để thành lập các tổ chức Công đoàn ở các nước thuộc địa, nửa thuộc địa và phát triển các công đoàn hiện có dưới hình thức phôi thai”. Đặc biệt, trong tác phẩm: “Đường Cách mệnh” xuất bản năm 1927 đã xác định nhiệm vụ của tổ chức Công hội: Người khẳng định: “Công hội là cơ quan của công nhân để chống lại tư bản và đế quốc chủ nghĩa”
 Có thể nói, trên bước đường đi tới chủ nghĩa Mác - Lênin và thành lập Đảng  Cộng sản ở Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã quan tâm rất sớm đến tổ chức quần chúng của giai cấp công nhân. Quá trình người chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho sự thành lập một chính đảng vô sản cũng là quá trình Người xây dựng cơ sở lý luận và phương pháp tổ chức công đoàn cách mạng. Những lý luận đó được phổ biến rộng rãi trong phong trào công nhân, qua những lực lượng ưu tú của phong trào và đã trở thành kim chỉ nam cho giai cấp công nhân Việt Nam. Nó có tác dụng rất lớn trong việc làm nổi bật tầm quan trọng của tổ chức Công hội đối với cuộc sống và phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân, nhất là trong điều kiện Đảng Cộng sản chưa xuất hiện ở Việt Nam.
 Tháng 6/1925 Việt Nam thanh niên Cách mạng đồng chí Hội được thành lập ở Quảng Châu. Sau khi học các lớp huấn luyện do đ/c Nguyễn Ái Quốc mở theo chỉ thị của người, hầu hết các hội viên Việt nam thanh niên Cách mạng đồng chí hội đã trở về nước hoạt động. Đó là con đường chủ yếu và quyết định  đưa thẳng chủ nghĩa Mác - Lê nin vào phong trào công nhân, nhờ đó tổ chức Công hội phát triển lên một bước mới.
 Năm 1929 là thời điểm phong trào công nhân và hoạt động Công hội nước ta phát triển sôi nổi nhất, đặc biệt là ở Miền bắc. Nhiều trung tâm công nghiệp của tư bản Pháp đã phát triển, vì thế lực lượng CNLĐ tập trung đông đảo ở đây. Các cuộc đấu tranh của công nhân nổ ra liên tục ở nhiều xí nghiệp và có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất hành động giữa xí nghiệp này với xí nghiệp khác trong cùng một địa phương, cũng như giữa địa phương này với địa phương khác trong toàn xứ. Các cuộc đấu tranh đó còn được kết hợp với phong trào đấu tranh chống thuế của nông dân, bãi thị của tiểu thương, bãi khoá của học sinh…
 Sự phát triển của phong trào công nhân và tổ chức Công hội đã đến lúc đòi hỏi phải có một tổ chức Mác-xít, một đảng thực sự cách mạng của giai cấp công nhân có khả năng tập hợp lãnh đạo công nhân đấu trành giành độc lập tự do. Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội không thể đảm đương nổi vai trò lãnh đạo phong trào công nhân cũng như phong  trào cách mạng của cả nước. Tháng 3/1929 Chi bộ Cộng sản đầu tiên được thành lập ở Hà nội. Tiếp đến ngày 17/06/1929 Đông dương Cộng sản Đảng ra đời và công bố chính cương, tuyên ngôn, xác lập vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với sự nghiệp cách mạng, lấy phong trào công nhân làm nòng cốt cho phong trào cách mạng, lấy việc vận động công nhân làm trung tâm công tác của Đảng, Đảng cử hàng loạt cán bộ vào nhà máy, hầm mỏ, nắm các Công hội do Thanh niên Cách mạng đồng chí hội đã lập từ trước để tuyên truyền Chủ nghĩa Cộng sản, phổ biến tôn chỉ, mục đích, Điều lệ Công hội Đỏ, chọn lọc những quần chúng tích cực để kết nạp vào Công hội Đỏ. (Sở dĩ gọi là công hội đỏ là để phân biệt tổ chức Công hội cách mạng, theo xu hướng cộng sản, do Đảng cộng sản lãnh đạo với Công hội không triệt để cách mạng, thường gọi là “Công đoàn Vàng” còn tồn tại ở nhiều nước trên thế giới lúc bấy giờ)
 Đông Dương Cộng sản Đảng đã liên kết các Công hội Đỏ ở các cơ sở, thành lập ra ở một số địa phương Miền Bắc các Tổng Công hội đỏ như Hà Nội, Hải phòng, Nam định, Đông Triều, Mạo Khê….Một điều được khẳng định là dưới sự lãnh đạo của Đông Duơng Cộng sản Đảng, các tổ chức Công hội Đỏ đã nhanh chóng củng cố và ngày càng vững mạnh và được tổ chức thành hệ thống Công hội đỏ từ cơ sở đến tỉnh, thành phố.
 Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân đòi hỏi phải có tổ chức Công hội thống nhất, Ban chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng Sản Đảng quyết định triệu tập Đại hội thành lập Tổng Công hội Đỏ miền Bắc Việt Nam vào ngày 28/7/1929 tại số nhà 15 - Hàng Nón - Hà Nội, tiền thân của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ngày nay.
 Đại hội đã thông qua chương trình, điều lệ và bầu ra Ban chấp hành lâm thời Tổng Công hội đỏ miền bắc, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - uỷ viên Ban chấp hành Trung ương lâm thời Đông dương cộng sản Đảng phụ trách công tác công vận của Đảng.
 Đại hội quyết định xuất bản báo Lao động - cơ quan thông tin, tuyên truyền và tạp chí Công hội Đỏ là cơ quan lý luận truyền bá quan điểm, chủ trương công tác của Công hội Đỏ trong công nhân.
 Sau đại hội, Tổng công hội Đỏ được tiếp tục tuyên truyền, vận động, phát triển tổ chức vào các tỉnh miền Trung và miền Nam. Cuối năm 1929, ở Trung Kỳ thành lập Tổng Công hội Đỏ Vinh - Bến Thuỷ - Đà Nẵng. Tháng 4/1930, thành lập Tổng công hội đỏ Nam Kỳ. Như vậy, từ Bắc vào Nam hầu hết các thành phố và các khu công nghiệp lớn đều có tổ chức Công hội Đỏ và thống nhất tổ chức ở toàn xứ. Mặc dù hoạt động bí mật, kẻ thù luôn tìm cách đàn áp, khủng bố, song hội viên Công hội Đỏ đã được tổ chức chặt chẽ, đi vào cao trào cách mạng 1930 dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ đây, Đảng và công đoàn có mối quan hệ máu thịt. Đảng tăng cường lãnh đạo công đoàn ngày càng chặt chẽ, toàn diện để thực hiện nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn cách mạng, Công đoàn thực hiện nhiệm vụ là sợi dây nối liền quần chúng với Đảng, tập hợp quần chúng công nhân lao động đoàn kết xung quanh Đảng, bảo vệ, xây dựng Đảng…Vì vậy, Công đoàn Việt Nam ngay từ khi ra đời đã là Công đoàn cách mạng, tuyệt đối tin tưởng và trung thành với Đảng. Cũng từ năm 1930, sự lớn mạnh của phong trào công nhân và tổ chức Công đoàn cách mạng Việt Nam đã gây được sự chú ý và ủng hộ của tổ chức Công đoàn quốc tế.
Sự kiện thành lập Tổng công hội Đỏ miến Bắc Việt Nam là một mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam. Đây là kết quả tất yếu của phong trào vận động công nhân và sự truyền bá lý luận Công đoàn cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đảng viên Cộng sản và phong trào công nhân nước ta. Đây cũng là thắng lợi của đường lối công vận của Đảng ta. Tổng công hội Đỏ miền Bắc Việt Nam ra đời đáp ứng yêu cầu bức thiết của phong trào công nhân đang phát triển mạnh mẽ, đánh dấu sự trưởng thành của giai cấp công nhân Việt Nam và lần đầu tiên giai cấp công nhân Việt Nam có một đoàn thể cách mạng rộng lớn của mình, hoạt động có tôn chỉ, mục đích, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo công nhân lao động. Chính vì ý nghĩa đó, theo đề nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ chính trị Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam quyết định lấy ngày 28/7/1929 là ngày truyền thống của Công đoàn Việt Nam.
92 năm đã qua, kể từ khi ra đời cho đến nay, tổ chức Công đoàn Việt Nam đã qua 12 kỳ Đại hội. Trong từng kỳ Đại hội, từ điều kiện và hoàn cảnh lịch sử cụ thể, phong trào công nhân và hoạt động công đoàn Việt Nam liên tục phát triển và dưới nhiều hình thức, tên gọi khác nhau: Từ Công hội Đỏ đến Ái hữu nghiệp đoàn, công nhân phản đế, công nhân cứu quốc, Tổng công đoàn Việt Nam và ngày nay là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Dù tên gọi khác nhau nhưng các hoạt động của Công đoàn Việt Nam luôn thống nhất về tư tưởng, tổ chức và hành động theo đường lối cách mạng của Đảng, trong từng giai đoạn cách mạng luôn có những đóng góp tích cực, to lớn vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam và khối đại đoàn kết dân tộc.
 * Từ ngày 23-27/2/1961 Đại hội công đoàn Việt Nam lần thứ II đã được tổ chức tại Hà Nội. Đại hội đã quyết định đổi tên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thành Tổng Công đoàn Việt Nam. Đồng chí Hoàng Quốc Việt - ủy viên Trung ương Đảng được bầu lại làm Chủ tịch đoàn Chủ tịch Tổng công đoàn Việt Nam, đồng chí Trần Danh Tuyên được bầu lại làm Tổng thư kí.
 * Từ ngày 11 đến 14-2-1974, Đại hội lần thứ III Công đoàn Việt Nam đã họp tại Hà Nội. Đại hội xác định phương hướng, nhiệm vụ của công tác công đoàn và phong trào công nhân trong giai đoạn mới. Đồng chí Tôn Đức Thắng được bầu làm Chủ tịch danh dự Tổng Công đoàn Việt Nam. Đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu lại làm Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam. Tổng thư ký là đồng chí Nguyễn Đức Thuận.
 * Đại hội lần thứ IV Công đoàn Việt Nam đã khai mạc tại Hà Nội vào ngày 8-5-1978. Tham dự đại hội có 926 đại biểu, thay mặt cho trên 3 triệu đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức trong cả nước. Đại hội đã xác định những nhiệm vụ của giai cấp công nhân và phong trào công đoàn là: vận động tập hợp, đoàn kết công nhân lao động, phát huy truyền thống cách mạng, hăng hái thi đua lao động sản xuất thực hiện thành công kế hoạch 5 năm lần thứ hai. Đại hội bầu đồng chí Nguyễn Văn Linh, ủy viên Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng làm Chủ tịch Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Đức Thuận làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí.
 * Từ ngày 12/11/1983, tại Hà Nội, Đại hội đại biểu lần thứ V Công đoàn Việt Nam đã được tổ chức. Dự đại hội có 949 đại biểu. Đại hội khẳng định tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chung của công đoàn trong cách mạng xã hội chủ nghĩa đã được nêu ra từ Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ IV. Đại hội đề ra những nhiệm vụ cụ thể của phong trào công nhân và Công đoàn Việt Nam, nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng Cộng sản Việt Nam.
 Đồng chí Nguyễn Đức Thuận – ủy viên Trung ương Đảng được bầu lại làm Chủ tịch, đồng chí Phạm Thế Duyệt – Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng được bầu làm Phó chủ tịch kiêm Tổng thư kí Tổng Công đoàn Việt Nam. Đại hội quyết định lấy ngày 28/7/1929 là ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.
           * Đại hội lần thứ VI Công đoàn Việt Nam họp từ ngày 17 đến ngày 20/10/1988 tại Hà Nội. Dự đại hội có 834 đại biểu của 58 đoàn cùng với 225 đại biểu khách mời, 59 đại biểu của 32 đoàn khác quốc tế. Đại hội đã xác định “Việc làm, đời sống, dân chủ và công bằng xã hội” là mục tiêu hoạt động của công đoàn các cấp.
 Đại hội quyết định đổi tên Tổng Công đoàn Việt Nam là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đổi tên Liên hiệp công đoàn tỉnh, thành phố, đặc khu, huyện, thị xã là Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, đặc khu, huyện, thị xã. Bỏ chức danh Tổng thư ký, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là người đứng đầu Ban Chấp hành và Ban Thư ký Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; thay chức danh Thư ký công đoàn các cấp bằng chức danh Chủ tịch công đoàn. Đại hội đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Tư - ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng làm Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đại hội VI Công đoàn Việt Nam được ghi nhận là Đại hội đổi mới của phong trào công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam
           Từ ngày 9 đến 12/11/1993, Đại hội lần thứ VII Công đoàn Việt Nam đã họp tại Hà Nội. Tham dự Đại hội có hơn 600 đại biểu thay mặt cho công nhân, viên chức và lao động khắp mọi miền đất nước. Đại hội xác định mục tiêu hoạt động công đoàn trong những năm tới là “Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chăm lo và bảo vệ lợi ích của công nhân lao động” Đồng chí Nguyễn Văn Tư - ủy viên Trung ương Đảng, được bầu lại làm Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
 Từ ngày 3 đến ngày 6/11/1998, Đại hội lần thứ VIII Công đoàn Việt Nam đã họp tại Hà Nội. Tham dự Đại hội có 898 đại biểu, đại diện cho hàng triệu đoàn viên công đoàn và công nhân, viên chức lao động cả nước, 31 đoàn đại biểu quốc tế, đại diện Tổ chức Liên hiệp công đoàn Thế giới, đại biểu công đoàn các nước trong khu vực và các đoàn Ngoại giao.
 Đại hội xác định mục tiêu và khẩu hiệu hành động của Công đoàn là “Vì sự nghiệp CNH - HĐH đất nước, vì việc làm, đời sống, dân chủ và công bằng xã hội, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn vững mạnh”. Đại hội đã bầu đồng chí Cù Thị Hậu - ủy viên Trung ương Đảng làm Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam.
 
 Đại hội Công đoàn Việt Nam lần IX họp từ ngày 10 – 13/10/2003, tại Cung văn hóa lao động Hữu nghị Việt - Xô, thủ đô Hà Nội. 900 đại biểu ưu tú, đại diện cho hơn 4,2 triệu đoàn viên đã về dự Đại hội.
 Đại hội đã đề ra mục tiêu và phương hướng tổng quát của tổ chức Công đoàn trong nhiệm kỳ 2003 - 2008:
 Xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và vai trò lãnh đạo cách mạng trong thời kỳ mới; củng cố và phát triển sâu rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, trên cơ sở liên minh vững chắc giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, rộng khắp, thiết thực và có hiệu quả trong CNVCLĐ; Tham gia quản lý, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ; đẩy mạnh phát triển đoàn viên và tổ chức Công đoàn trong các thành phần kinh tế; nâng cao năng lực và tŕnh độ cán bộ công đoàn; đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam XHCN.
  Đại hội bầu Ban chấp hành gồm 150 ủy viên. Ban Chấp hành khoá IX đã bầu ra 19 uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Đồng chí Cù Thị Hậu, ủy viên Trung ương Đảng được bầu tái cử  làm Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam. Đồng chí Đặng Ngọc Tùng - Phó Chủ tịch thường trực; các đồng chí Đặng Ngọc Chiến, Đỗ Đức Ngọ, Nguyễn Đình Thắng, Nguyễn Hòa Bình được bầu làm phó Chủ tịch.
 * Đại hội X Công đoàn Việt Nam diễn ra từ ngày 02-5/11/2008 tại Cung Văn hoá lao động Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội. Tham dự Đại hội có 985 đại biểu chính thức.
 Khẩu hiệu hành động là “Công đoàn Việt Nam đổi mới, sáng tạo; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động; vì sự phát triển ổn định, bền vững của đất nước”.  Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoá X gồm 160 đồng chí. Tại phiên họp thứ nhất, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoá X đã bầu Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam gồm 21 đồng chí; Uỷ ban kiểm tra Tổng Liên đoàn gồm 13 đồng chí. Đồng chí Đặng Ngọc Tùng được bầu làm Chủ tịch Tổng Liên đoàn. Đồng chí Đỗ Xuân Học được bầu làm Chủ nhiệm UBKT.
 * Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2013 - 2018 diễn ra từ ngày 27 - 30/7/2013, tại Cung Văn hoá Lao động Hữu nghị Việt - Xô, Thủ đô Hà Nội. Tham dự Đại hội có 944 đại biểu triệu tập thuộc 83 đoàn đại biểu; 07 đoàn đại biểu quốc tế, trong đó 04 đoàn đại biểu Công đoàn quốc tế từ nước ngoài vào và 03 đại diện tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
 Đại hội thống nhất đề ra mục tiêu, phương hướng tổng quát và phương châm hành động của tổ chức Công đoàn Việt Nam là:
 “Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn theo hướng vì đoàn viên và người lao động, vì sự phát triển bền vững của đất nước; tập trung hướng về cơ sở, thực hiện tốt chức năng chăm lo đời sống, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; tham gia có hiệu quả vào công tác quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục và tổ chức thi đua yêu nước trong đoàn viên và người lao động; đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, góp phần xây dựng giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh, xứng đáng là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”.
 Đại hội nhất trí số lượng Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoá XI là 175 đồng chí và đã bầu tại đại hội 172 đồng chí. Đoàn Chủ tịch có 27 đồng chí; Đồng chí Đặng Ngọc Tùng - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - giữ chức Chủ tịch.
 * Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII diễn ra từ ngày 24-26/9/2018. Với khẩu hiệu “Đổi mới, dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm”, đại hội xác định đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn; tập trung đại diện, chăm lo, bảo vệ đoàn viên, người lao động; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tại đại hội có 947 đại biểu được triệu tập, đại diện cho hơn 10 triệu đoàn viên, công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) cả nước và 7 đoàn đại biểu quốc tế.
Đại hội đã tiến hành thảo luận, thông qua Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI, mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát của nhiệm kỳ 2018-2023; Báo cáo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Công đoàn Việt Nam; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN khóa XI; Báo cáo tổng hợp kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động và tổ chức công đoàn với Đảng, Nhà nước…
Đoàn Chủ tịch gồm 22 đồng chí; Chủ tịch, 4 Phó Chủ tịch và 16 Ủy viên UBKT, Chủ nhiệm và 2 Phó Chủ nhiệm UBKT nhiệm kỳ 2018 – 2023; đồng chí Bùi Văn Cường được Ban chấp hành bầu tái đắc cử chức danh Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa 12.
Đến năm 2019 đồng chí Bùi Văn Cường - Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chuyển công tác về làm Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk nhiệm kỳ 2015 - 2020 và  đồng chí Nguyễn Đình Khang được Hội nghị Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lần thứ 4 (khóa XII) bầu giữ chức Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khoá XII, nhiệm kỳ 2018-2023.
Tự hào 92 năm phát triển và trưởng thành của Công đoàn Việt Nam, đội ngũ đoàn viên Công đoàn, CNVCLĐ và Liên đoàn Lao động Quận 12 đang tập trung phát huy truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam, truyền thống cách mạng của quê hương, nêu cao ý trí tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn thử thách và huy động các nguồn lực chăm lo đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đặc biệt trong đợt giãn cách toàn Thành phố lúc này. Bên cạnh đó cũng luôn đoàn kết phấn đấu xây dựng đội ngũ công nhân lao động quận không ngừng lớn mạnh góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày càng phát triển, vững mạnh./.
 

Tác giả bài viết: Hồng Khanh
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Thống Kê Truy Cập

  • Đang truy cập: 5
  • Hôm nay: 656
  • Tháng hiện tại: 8653
  • Tổng lượt truy cập: 2622246