Việc thanh toán chế độ ốm đau, thai sản thuộc trách nhiệm của đơn vị sử dụng lao động; sau đó hằng quý mới quyết toán lại với cơ quan BHXH. Ông Nguyễn Đăng Tiến, Phó Giám đốc BHXH TP HCM, cho biết như vậy.
Mới đây, gần 500 công nhân Công ty Việt Nam Samho (100% vốn Hàn Quốc; huyện Củ Chi, TP HCM) rất bức xúc trước việc công ty chậm giải quyết các chế độ BHXH như nghỉ ốm, thai sản…., Cơ quan BHXH TP có nắm được vụ việc, thưa ông?
Giải quyết chế độ ốm đau, thai sản: Thanh toán trước, gộp sổ sau
Chúng tôi theo dõi rất sát tình hình tại Công ty Việt Nam Samho qua báo cáo của BHXH huyện Củ Chi. Tham gia BHXH tại BHXH huyện Củ Chi, trong quý I/2015, đơn vị đề nghị quyết toán 1.715 trường hợp hưởng chế độ ốm đau, thai sản. BHXH đã duyệt 1.246 trường hợp, còn lại 469 trường hợp chưa duyệt do phải gộp sổ.
Gộp sổ BHXH là việc làm cần thiết nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động khi giải quyết chế độ BHXH
Tình trạng này xảy ra phổ biến ở nhiều doanh nghiệp (DN) và gây bức xúc cho công nhân. Theo giải thích của cán bộ phụ trách nhân sự ở nhiều DN, sở dĩ người lao động (NLĐ) không được thanh toán các chế độ là do họ chưa thực hiện gộp sổ BHXH, có đúng như vậy không?
- Hoàn toàn không đúng. Thanh toán chế độ cho NLĐ và quyết toán với cơ quan BHXH là 2 việc khác nhau. Theo quy định, việc thanh toán chế độ ốm đau, thai sản thuộc trách nhiệm của đơn vị sử dụng lao động; sau khi thanh toán xong thì thực hiện quyết toán với cơ quan BHXH hằng quý. Quá trình xem xét quyết toán, nếu phát hiện NLĐ có nhiều sổ, cơ quan BHXH mới yêu cầu NLĐ và DN phối hợp thực hiện việc gộp tất cả quá trình tham gia BHXH của NLĐ ở nhiều sổ khác nhau về một sổ duy nhất.
Theo ông, việc gộp sổ BHXH có ý nghĩa thế nào đối với việc thụ hưởng quyền lợi của NLĐ?
- Hiện nay, có tình trạng một NLĐ có nhiều sổ BHXH do có quá trình làm việc ở nhiều DN khác nhau hoặc do cho người khác mượn hồ sơ đi làm việc. Vì vậy, việc điều chỉnh, gộp sổ, tổng hợp quá trình tham gia BHXH vào một sổ là hết sức cần thiết, trước hết để bảo đảm quyền lợi của NLĐ khi giải quyết chế độ BHXH, ví dụ như: căn cứ quá trình tham gia BHXH để tính thời gian nghỉ ốm đau hằng năm, giải quyết chế độ thai sản, tai nạn lao động, trợ cấp một lần sau khi nghỉ việc… Việc này cũng giúp cơ quan BHXH trong việc quản lý hồ sơ, đồng thời ngăn chặn hành vi lạm dụng quỹ BHXH không đúng quy định trong trường hợp cho người khác mượn hồ sơ.
Đối với trường hợp tại Công ty Việt Nam Samho, hướng giải quyết của BHXH TP như thế nào, thưa ông?
- Như đã nói, việc gộp sổ trong trường hợp NLĐ có nhiều sổ là cần thiết. Để làm được, cần có sự hợp tác của NLĐ chứ không chỉ là trách nhiệm của cơ quan BHXH và DN. Cơ quan BHXH sẽ cùng với DN, tổ chức Công đoàn giải thích để NLĐ hiểu rõ các quy định của pháp luật BHXH. Trước mắt, theo phản ánh của Báo Người Lao Động, ngay trong ngày 7-4, BHXH TP đã chỉ đạo BHXH huyện Củ Chi tiếp tục thực hiện duyệt quyết toán cho 469
trường hợp nói trên.
Trách nhiệm của doanh nghiệp. Theo quy định tại điều 117 Luật BHXH hiện hành, trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ từ NLĐ, người sử dụng lao động có trách nhiệm giải quyết chế độ ốm đau, thai sản cho NLĐ. Hằng quý, người sử dụng lao động có trách nhiệm nộp hồ sơ của những NLĐ đã được giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cho cơ quan BHXH. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan BHXH có trách nhiệm quyết toán; trường hợp không quyết toán thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. |
Theo Báo Người lao động
Ý kiến bạn đọc