11:13 ICT Thứ sáu, 21/03/2025
CHÀO MỪNG QUÝ KHÁCH ĐẾN VỚI WEBSITE CỦA LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG QUẬN 12.CHÚC QUÝ KHÁCH MỘT NGÀY VUI VẺ

Nêu cao tinh thần trách nhiệm

Đăng lúc: Thứ bảy - 09/08/2014 09:00 - Người đăng bài viết: Liên Đoàn Lao Động
Nêu cao tinh thần trách nhiệm nói đi đôi với làm
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm
 
Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân ta là công việc thường xuyên, lâu dài, quan trọng, bởi tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Tư tưởng, tấm gương đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh là di sản tinh thần vô giá mà Bác đã để lại cho chúng ta. Thực hiện Kế hoạch số 154-KH/QU ngày 10/02/2014 của Ban Thường vụ Quận ủy, tôi xin được giới thiệu đến các đồng chí nội dung thứ nhất trong chuyên đề năm 2014 về nêu cao tinh thần trách nhiệm.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức gồm có 4 nội dung là:
Một là, tích cực, tự giác thực hiện nhiệm vụ được giao: Nêu cao tinh thần trách nhiệm là khi được Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, cũng phải đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ làm cho thành công. Trong thực hiện nhiệm vụ được giao phải “có gan phụ trách”, dám nghĩ dám làm, chủ động sáng tạo để có kết quả cao nhất. Nêu cao tinh thần trách nhiệm là phải làm tròn trách nhiệm của mình một cách tự giác, theo lương tâm, lương tri; làm việc cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi,…là không có tinh thần trách nhiệm.
Hai là, Ý thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trên mọi cương vị, vị trí công tác: Tất cả mọi người, ở mọi địa vị, vị trí công tác, trong mọi hoàn cảnh đều phải nêu cao tinh thần trách nhiệm. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định nghề nào cũng vinh quang và việc gì cũng phải cố gắng, chuyên tâm, không chủ quan, đại khái. Trong các bài nói, bài viết của mình, Người nêu rất cụ thể về trách nhiệm của mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi nghề. Thí dụ, người cán bộ quân sự, thì luôn luôn học hỏi chính trị và kỹ thuật, chiến thuật. Luôn luôn săn sóc đến tinh thần và vật chất của đội viên. Đoàn kết nội bộ. Giúp đỡ nhân dân. Kiên quyết chấp hành mệnh lệnh trên giao xuống. Khi đánh giặc thì làm cho toàn đội thấm nhuần tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Gặp việc khó khăn thì cố tìm mọi cách giải quyết đúng. Như thế là có tinh thần trách nhiệm.
Ba là, Nắm vững chính sách và thực hiện đường lối quần chúng: Đảng và Chính phủ đề ra chính sách, cán bộ phải nghiên cứu, hiểu rõ, thấm nhuần chính sách ấy. Theo chính sách ấy mà điều tra, nghiên cứu, nắm chắc hoàn cảnh thiết thực của đơn vị mình, địa phương mình. Rồi đặt kế hoạch rõ ràng, tỉ mỉ, thiết thực, để giải thích, tuyên truyền, cổ động quần chúng, làm cho mọi người hiểu rõ và ủng hộ chính sách của Đảng và Chính phủ như là của họ, rồi thi đua thực hiện đầy đủ chính sách ấy. Như thế là làm tròn nhiệm vụ. Để thực hiện chính sách, làm trọn nhiệm vụ, cán bộ chẳng những phải chịu khó giải thích, tuyên truyền, cổ động, mà còn phải bàn bạc với quần chúng, hỏi han ý kiến, gom góp sáng kiến của quần chúng. Lãnh đạo quần chúng và hoan nghênh quần chúng phê bình. Tóm lại, “phải đi đúng đường lối quần chúng. Thế là có tinh thần trách nhiệm đối với Đảng, đối với Chính phủ, đối với nhân dân”.
Bốn là, Trái ngược với tinh thần trách nhiệm là bệnh quan liêu, mệnh lệnh, chủ quan, hấp tấp, tự tư tự lợi: Quan liêu, theo Hồ Chí Minh là xa rời thực tế, xa rời quần chúng nhân dân, xa rời mục tiêu lý tưởng của Đảng cầm quyền, là nguyên nhân của nhiều căn bệnh khác. Quan liêu dẫn tới chủ quan, mệnh lệnh, hấp tấp, khi gặp khó khăn thì dễ dao động, ngả nghiêng… Theo chủ tịch Hồ Chí Minh, bệnh quan liêu mệnh lệnh chỉ đưa đến một kết quả là hỏng việc; “thành thử có mắt mà không thấy suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững. Kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ tham ô, lãng phí. Nguyên nhân của bệnh quan liêu là do: xa nhân dân; khinh nhân dân; sợ nhân dân; không tin cậy nhân dân; không yêu thương nhân dân. Quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ. Vì nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng của ta.
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được xác định là biện pháp quan trọng hàng đầu, là nhiệm vụ thường xuyên và lâu dài trong sự nghiệp cách mạng ở nước ta hiện nay. Việc học tập, tự học tập để nâng cao nhận thức phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Các nội dung học tập phải được đưa vào sinh hoạt chi bộ, trở thành nền nếp. Thường xuyên trao đổi, thảo luận, tự phê bình, phê bình, đóng góp ý kiến xây dựng cho cán bộ lãnh đạo, tổ chức cơ sở đảng. Biểu dương những việc làm tốt, kịp thời phát hiện, uốn nắn những việc làm chưa tốt. Mỗi người phấn đấu tự tu dưỡng, rèn luyện theo những chuẩn mực đạo đức được xây dựng ở địa phương, cơ quan, đơn vị, trong từng tổ chức đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước tập thể, trước nhân dân; có quan hệ mật thiết với quần chúng nhân dân. Cán bộ, đảng viên, công chức phải có trách nhiệm nêu gương trước, làm trước, chịu trách nhiệm về những việc mình làm. Coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách, hướng con người đến cái chân - thiện - mỹ, nhất là với thế hệ trẻ.
 
Tác giả bài viết: Minh Tâm
Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết